Cách ứng xử khôn ngoan trong giao tiếp bạn cần nên ghi nhớ

Giao tiếp là một phần tất yếu của cuộc sống chúng ta, tuy nhiên không phải ai sinh ra cũng có được khả năng giao tiếp tốt. Đặc biệt, khi tiếp xúc với những môi trường khác nhau, chúng ta đòi hỏi phải có cách ứng xử khôn ngoan trong giao tiếp để tránh những trường hợp hiểu lầm gây ảnh hưởng đến công việc.

Tục ngữ có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” ngụ ý khuyên nhủ con người mỗi khi giao tiếp cần phải biết suy nghĩ, khôn khéo lựa chọn những lời hay ý đẹp mà nói với nhau, tránh vì một phút nóng giận mà buôn những lời lẽ không tốt đến người khác. Trong cuộc sống, sẽ có đủ mọi cung bậc cảm xúc, cũng như vô vàn tình huống xảy ra mà chúng ta không thể biết trước, chính vì vậy bạn luôn phải học cách ứng xử khôn ngoan trong giao tiếp để trở nên tự tin hơn và làm chủ cuộc sống chính mình.

Tùy vào môi trường và tình huống khác nhau mà bạn sẽ có những cách ứng xử phù hợp nhất. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra một số quy tắc giao tiếp mà bạn cần biết để ứng xử một cách thông minh nhất.

1. Nhìn nhận vấn đề một cách tổng quát

Mỗi người đều có những cách đánh giá khác nhau về cuộc sống, và với cả những người mà họ tiếp xúc, chắc chắn bạn cũng như thế. Con người đều đánh giá người khác dựa vào những gì mà họ suy nghĩ là đúng. Trong hoàn cảnh bạn bị rơi vào thế ở giữa khi phải lắng nghe quá nhiều những ý khiến nhận xét khác nhau về ai đó, bạn nên nhớ rằng đừng vội vàng đứng về một phía bỏ qua những đánh giá cụ thể về vấn đề để đánh giá sai về một ai đó. Có 3 bước để bạn có thể đánh giá vấn đề một cách tổng quát đó chính là:

– Thứ nhất: Luôn học cách chấp nhận vấn đề tồi tệ nhất sẽ xảy ra.

– Thứ hai: Lắng nghe và phân tích điểm mạnh và điểm yếu của từng người, đừng vội vàng nghe theo những gì người khác nhận xét.

– Thứ ba: tin vào những gì mình nghĩ nhưng hãy khôn khéo để hợp tác với những người có những điểm mạnh mà bạn cần, đồng thời không nên đánh đồng quan điểm với những người khác, đứng trên vị trí trung lập để xây dựng mối quan hệ thân thiết với cả hai bên.

2. Nói cảm ơn đúng lúc nhưng đừng nói xin lỗi quá nhiều

Cảm ơn và xin lỗi là những từ mà chúng ta thường xuyên phải nói trong cuộc sống, tuy nhiên người biết giao tiếp một cách khôn khéo sẽ biết nói lời cảm ơn đúng lúc, đúng thời điểm. Một lời khuyên hữu ích cho bạn đó chính là khi nói cảm ơn một cách đầy đủ “Tôi xin cảm ơn” sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chỉ nói bằng hai từ cảm ơn thông thường.

Đối với từ xin lỗi cũng giống như cảm ơn, chúng ta nên biết nói xin lỗi đúng lúc và đúng hoàn cảnh. Không phải bất kỳ vấn đề nào bạn cũng nên nói hai từ “xin lỗi”, bởi vì một khi từ xin lỗi được sử dụng quá nhiều trong giao tiếp, về lâu dài người khác sẽ đánh giá bạn là một kẻ luôn phạm lỗi và làm việc gì cũng không tốt. Lời xin lỗi không đúng lúc cũng sẽ khiến bạn có mặc cảm tâm lý với bản thân rằng mình là một người không tài giỏi, hạn chế khả năng thăng tiến và phát triển của bạn trong sự nghiệp.

3. Học cách nói không đúng lúc

Có quá nhiều áp lực cuộc sống đến với bạn trong thời điểm hiện tại, nói “không” là cách để bạn giảm đi áp lực của cuộc sống và loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực trong đầu, đồng thời khẳng định giá trị của bạn với mọi người. Những người thông minh luôn biết nói không khi cần thiết, đây là điều mà tất cả chúng ta nên cố gắng để thực hiện, nếu không muốn tạo ra nhiều hơn những áp lực cho cuộc sống.

Không phải việc gì người khác nhờ vả không nằm trong yêu cầu công việc thì bạn hoàn toàn có thể từ chối một cách thẳng thắn. Chúng ta sẽ không thể nào cảm thấy thoải mái nếu làm những việc mà người khác nhờ vả hay bản thân thật sự không thích làm. Do đó, nói “không” vào những thời điểm đúng lúc sẽ giúp người khác nhận ra rằng bạn không phỉa là một người chỉ biết làm những việc mà người khác nhờ vả.

4. Luôn biết giữ bí mật

Khi ai đó quyết định nói ra những điều mà họ suy nghĩ và cất dấu trong lòng để chia sẻ với bạn, điều đó chứng tỏ rằng bạn là một người rất đáng tin cậy. Vì thế, bạn nên nhắc nhở mình rằng hãy nê tôn trọng bí mật đó của họ và chắc chắn đừng nên nói cho người thứ 3 biết. Đó là cách cư xử thông minh trong môi trường công sở hay cuộc sống, vì chắc rằng bạn cũng không muốn bản thân trở thành kẻ tọc mạch phải không nào?

Còn rất nhiều những quy tắc khác để hướng dẫn bạn cách ứng xử khôn ngoan trong cuộc sống, tuy nhiên điều quan trọng mà đầu tiên bạn cần phải thực hiện được trước khi trở thành một người có cách ứng xử và giao tiếp thông minh, tinh tế đó chính là rèn luyện tư duy và năng lực tốt hơn từng ngày. Vì khi đã có được một tư duy đúng đắn + năng lực thật sự bạn sẽ biết cách ứng phó với mọi tình huống xảy ra trong cuộc sống này.